Hiện nay có rất nhiều biện pháp can thiệp, giáo dục cho trẻ tự kỷ. Dù vậy, mục tiêu chung của các phương pháp này đều là cải thiện những khiếm khuyết về ngôn ngữ, nhận thức, tư duy và tăng tương tác xã hội.

các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ
Các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ được áp dụng linh hoạt tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe của từng trẻ

Các phương pháp can thiệp, giáo dục cho trẻ tự kỷ phổ biến hiện nay

Trẻ tự kỷ (ASD) bị khiếm khuyết trong quá trình phát triển thần kinh nên tư duy, ngôn ngữ và nhận thức kém hơn so với trẻ khỏe mạnh. Hơn nữa, trẻ mắc chứng bệnh này không có tương tác với những người xung quanh, trẻ thường chơi một mình như đang ở trong thế giới riêng. Vì bản thân trẻ không có nhu cầu giao tiếp và tương tác với những người xung quanh nên không thể giáo dục bình thường như các trẻ khác.

Hiện nay, căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của hội chứng tự kỷ vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng nên điều trị còn nhiều hạn chế. Do bệnh khởi phát khá sớm (phần lớn khởi phát trước 36 tháng tuổi) nên trẻ phải được can thiệp và giáo dục phù hợp để có thể tăng khả năng nhận thức, cải thiện trí tuệ, khả năng giao tiếp và các kỹ năng xã hội.

Kể từ khi thuật ngữ tự kỷ được đề cập vào năm 1911, đã có rất nhiều phương pháp can thiệp, giáo dục được nghiên cứu và áp dụng. Rối loạn phổ tự kỷ ảnh hưởng gần như toàn diện các chức năng của trẻ. Do đó, không có một phương pháp can thiệp và giáo dục nào có thể cải thiện toàn diện. Trẻ tự kỷ bắt buộc phải can thiệp nhiều phương pháp để có thể cải thiện những khiếm khuyết về tư duy, ngôn ngữ, kỹ năng xã hội và giảm các vấn đề sức khỏe có liên quan.

Hiện nay, các biện pháp can thiệp, giáo dục cho trẻ tự kỷ sẽ được áp dụng linh hoạt tùy theo độ tuổi và mức độ bệnh của từng trẻ. Dưới đây là các phương pháp được áp dụng phổ biến hiện nay:

1. Phương pháp ABA (ứng dụng phân tích hành vi)

Phương pháp ABA (Applied Behaviour Analysis) hay ứng dụng phân tích hành vi là biện pháp được quan tâm nhất trong trị liệu cho trẻ tự kỷ. Phương pháp này được thực hiện nhằm hiểu rõ hành vi của trẻ, qua đó giúp trẻ cải thiện nhiều mặt từ ngôn ngữ, nhận thức, tương tác xã hội và tự chăm sóc được cho bản thân.

Bên cạnh đó, phương pháp ABA còn giúp trẻ loại bỏ những hành vi tiêu cực, gia tăng các hành vi tích cực và phù hợp với xã hội. Các kỹ năng sẽ được chia thành nhiều phần và trẻ sẽ bắt đầu được trang bị những kỹ năng từ đơn giản cho đến phức tạp.

các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ
Phương pháp ABA (ứng dụng phân tích hành vi) được đánh giá là biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ hữu hiệu nhất

Ban đầu, trẻ sẽ được chuyên gia đánh giá đã có những kỹ năng nào và những kỹ năng nào còn thiếu hụt. Dựa vào tình trạng cụ thể, chuyên gia sẽ lựa chọn mục tiêu phù hợp với từng cá nhân. Sau đó sẽ lập nội dung và rèn luyện cho từng buổi, nội dung rèn luyện cũng có thể được thay đổi tùy theo mức độ tiếp thu của trẻ.

Ưu điểm của phương pháp ABA:

  • Phương pháp dạy đơn giản, rõ ràng
  • Có thể áp dụng ở mọi tình huống, hoàn cảnh, không bị gò bó bởi không gian
  • Mang lại hiệu quả cao khi dạy những hành vi và kỹ năng mới cho trẻ tự kỷ
  • Nội dung bài tập được chia thành nhiều phần nên trẻ sẽ tiếp thu nhanh, đồng thời tạo sự thoải mái cho người dạy
  • Có hiệu quả rõ rệt trong việc thay đổi những hành vi tiêu cực

Nhược điểm của phương pháp:

  • Mất nhiều thời gian (khoảng 30 – 40 giờ/ tuần)
  • Mất nhiều công sức, chi phí và thường phải áp dụng trong một thời gian dài
  • Phương pháp ABA không giúp trẻ đáp ứng với hoàn cảnh và tình huống mới
  • Người thực hiện phương pháp ABA cần có chuyên môn và kinh nghiệm

Mặc dù còn không ít hạn chế nhưng phương pháp ABA được đánh giá là biện pháp can thiệp, giáo dục trẻ tự kỷ hữu hiệu nhất thời điểm hiện tại. Phương pháp này thường được áp dụng linh hoạt với một số liệu pháp khác để giúp trẻ cải thiện chức năng và hòa nhập được với xã hội.

2. Phương pháp TEACCH

Phương pháp TEACCH (Division of Treatment and Education of Autistic and Children with Communication Handicaps) là biện pháp can thiệp được áp dụng cho người bị tự kỷ ở mọi độ tuổi và không phân biệt chỉ số IQ hay kỹ năng. Phương pháp này sẽ đánh giá điểm mạnh của trẻ tự kỷ, từ đó xây dựng chương trình phù hợp để thúc đẩy sự phát triển.

Phương pháp TEACCH mang lại hiệu quả trong việc trang bị cho trẻ những kỹ năng giao tiếp, xã hội, các kỹ năng cơ bản để phục vụ cuộc sống (đánh răng, rửa mặt, tắm rửa,…), kỹ năng ứng phó, tính độc lập,… Nội dung của chương trình và cách can thiệp sẽ dựa vào độ tuổi của bệnh nhân.

các biện pháp pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ
Phương pháp TEACCH là một trong những biện pháp can thiệp, giáo dục cho trẻ tự kỷ được quan tâm hiện nay

Phương pháp này được phát triển bởi lý thuyết của Nhà Tâm lý học Eric Schopler và bắt đầu được ứng dụng từ những năm 1960 ở Mỹ. Phương pháp TEACCH dựa trên quan điểm cho rằng, tự kỷ là một dạng rối loạn sinh học được gây ra bởi bất thường ở não bộ.

Nội dung cụ thể của chương trình TEACCH bao gồm:

  • Bắt chước
  • Nhận thức
  • Kỹ năng vận động thô
  • Vận động tinh
  • Phối hợp mắt – tay
  • Kỹ năng hiểu biết
  • Kỹ năng ngôn ngữ
  • Kỹ năng tự lập
  • Kỹ năng bắt chước xã hội

Trước đây, phương pháp TEACCH chỉ được áp dụng ở Mỹ nhưng hiện nay đã được thực hiện rộng rãi ở nhiều quốc gia. Tương tự như các biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ khác, phương pháp này có những ưu điểm và tồn tại một số hạn chế.

Ưu điểm của phương pháp TEACCH:

  • Chương trình có nội dung rộng và đa dạng, có thể đáp ứng được nhu cầu của từng trẻ
  • Tập trung vào thế mạnh của trẻ thay vì chỉ chú trọng vào khuyết điểm như các phương pháp khác
  • Giúp trẻ tự kỷ hiểu được các yêu cầu và cách thức đáp ứng

Nhược điểm:

  • Cần nhiều nhân lực mới có thể thực hiện
  • Phương pháp TEACCH rất gò bó và chuyên gia thực hiện phải tập trung chuẩn bị các đồ dùng giảng dạy, soạn chương trình,…
  • Tương tự như các biện pháp can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, phương pháp này cần rất nhiều thời gian
Xem Thêm:   Trầm Cảm Ở Trẻ Em: Dấu Hiệu Nhận Biết Sớm Và Chữa Trị

3. Phương pháp PECS (hệ thống giao tiếp trao đổi hình)

Phương pháp PECS (Picture Exchange Communication System) hay còn được gọi là hệ thống giao tiếp trao đổi hình. Phương pháp này được áp dụng cho trẻ tự kỷ ở lứa tuổi mầm non nhằm giúp trẻ học cách giao tiếp thông qua bộ hình ảnh. Phương pháp PECS được phát triển bởi nhà âm ngữ trị liệu Lori Frost và nhà tâm lý nhi Andrew Bondy.

Phương pháp PECS được thực hiện cùng với biện pháp ABA để có thể đổi hình ảnh theo mong muốn của trẻ. Đặc điểm của trẻ bị tự kỷ là không muốn nói. Do đó, phương pháp PECS ra đời với mong muốn giúp trẻ học cách giao tiếp và hình thành nhu cầu muốn giao tiếp. Qua đó thôi thúc trẻ muốn giao tiếp và tương tác với những người xung quanh.

các biện pháp pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ
Phương pháp PECS giúp trẻ tự kỷ ở lứa tuổi mầm non có thể giao tiếp thông qua bộ hình ảnh

Tương tự như các phương pháp khác, phương pháp PECS sẽ dạy cho trẻ từ cơ bản đến nâng cao. Ban đầu, trẻ sẽ được dạy cách chọn hình ảnh đơn lẻ phù hợp với đồ vật/ thức ăn mà trẻ thích. Sau đó, tăng dần về mức độ để trẻ có thể giao tiếp nguyên câu và biết cách dùng hình ảnh để thể hiện mong muốn, bình luận của bản thân.

Sau một thời gian thực hiện phương pháp PECS, trẻ có thể nói được và mong muốn được nói. Đây là phản ứng tự nhiên khi bản thân trẻ có nhu cầu giao tiếp để thể hiện mong muốn, cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Đặc biệt, phương pháp này có thể thực hiện ngay tại nhà bởi chính bố mẹ của trẻ.

Ưu điểm:

  • Nội dung bài dạy phong phú, nhiều màu sắc, rõ ràng và có chủ ý nên có thể tạo được sự hứng thú cho trẻ. Đa phần trẻ tự kỷ đều chủ động tham gia phương pháp PECS mà không có phản ứng khó chịu hay phản đối.
  • Giúp trẻ phát triển khả năng giao tiếp.
  • Tiền đề để phát triển lời nói.
  • Cải thiện nhanh khả năng giao tiếp và giúp trẻ tăng tương tác với những người xung quanh.

Nhược điểm:

  • Vì sử dụng bộ hình ảnh nên mất nhiều thời gian chuẩn bị tài liệu, hình ảnh
  • Phải thực hiện trong thời gian dài
  • Chỉ có thể cải thiện khả năng giao tiếp, không tập trung phát triển những khía cạnh khác như vận động, kỹ năng ứng phó, giao tiếp,…

4. Biện pháp Floortime – DIR

Biện pháp Floortime – DIR (chơi trên sàn) được phát triển từ những năm 1980 bởi Tiến sĩ Stanley Greenspan và Serena Weider. Phương pháp này can thiệp dựa trên mô hình quan hệ, mốc phát triển và tôn trọng sự khác biệt của từng cá thể. Như tên gọi, trong phương pháp DIR, trị liệu sẽ được kết hợp với các hoạt động vui chơi trên sàn nhà.

Khi vui chơi với trẻ, người lớn có thể giúp trẻ có thể phát triển thế mạnh, tăng khả năng hòa nhập và mở rộng vòng tròn giao tiếp. Phương pháp này không tập trung vào phát triển kỹ năng nhận biết, ngôn ngữ hay vận động mà tập trung vào việc phát triển cảm xúc. Đôi khi phương pháp DIR sẽ được áp dụng với phương pháp ABA để mang lại kết quả tốt nhất.

các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ
Biện pháp Floortime – DIR giúp trẻ tự kỷ phát triển cảm xúc và biểu lộ tâm trạng phù hợp với từng hoàn cảnh

Biện pháp Floortime – DIR được phát triển dựa trên 3 yếu tố là sự phát triển cảm xúc, sự khác biệt của từng cá thể và dựa trên mối quan hệ. Thông qua biện pháp này, trẻ có thể phát triển cảm xúc và biểu đạt tâm trạng phù hợp với hoàn cảnh. Phương pháp DIR sẽ được thực hiện bởi bố mẹ của trẻ và tương đối mất nhiều thời gian.

Ưu điểm:

  • Giúp trẻ chủ động tương tác
  • Phát triển cảm xúc và biểu đạt tâm trạng phù hợp với hoàn cảnh
  • Có thể thực hiện ngay tại nhà vì phụ huynh giữ vai trò chính trong quá trình trị liệu

Nhược điểm:

  • Chỉ tập trung phát triển cảm xúc nên không thể cải thiện khả năng giao tiếp, nhận thức, tư duy và các kỹ năng cho trẻ tự kỷ.
  • Thời gian đầu sẽ gặp nhiều khó khăn.

5. Trị liệu hòa nhập cảm giác

Trị liệu hòa nhập cảm giác là biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ được áp dụng khá phổ biến. Phương pháp này giúp trẻ cải thiện khả năng thu thập, kết nối và phân loại những thông tin từ thế giới xung quanh.

Trẻ tự kỷ thường quá nhạy cảm hoặc đôi khi không có phản ứng với những yếu tố xung quanh như âm thanh, lời nói hoặc những sự kiện khác. Do đó, trị liệu hòa nhập cảm giác được áp dụng để giúp trẻ giảm đi sự nhạy cảm thái quá. Đồng thời giúp trẻ tương tác và học tập từ môi trường.

Trị liệu hòa nhập cảm giác sẽ được thực hiện bởi chuyên gia âm ngữ trị liệu, hoạt động trị liệu hoặc vật lý trị liệu. Chuyên gia thực hiện phương pháp phải có đủ năng lực và kinh nghiệm để quan sát kỹ lưỡng và đánh giá chính xác mức độ nhạy cảm của từng trẻ.

các phương pháp giáo dục cho trẻ tự kỷ
Trị liệu hòa nhập cảm giác giúp trẻ cảm nhận được các giác quan, tăng khả năng vận động và nhận thức

Trị liệu hòa nhập cảm giác sẽ bao gồm 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1 tập trung phát triển các giác quan (xúc giác, tiền đình, khứu giác, cảm giác bản thể, vị giác, thính giác, thị giác,…)
  • Giai đoạn 2 giúp trẻ nhận biết vị trí của các bộ phận trên cơ thể, phát triển phản xạ, sàng lọc cảm xúc, lựa chọn tư thế an toàn, tăng ý thức về 2 bên cơ thể để tăng khả năng phối hợp,…
  • Giai đoạn 3 sẽ giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động (điều khiển mắt, phối hợp mắt – tay, điều chỉnh tư thế, giúp trẻ phát triển thị giác không gian,…) và tập cho trẻ khả năng chú ý có chọn lọc.
  • Ở giai đoạn 4, trẻ sẽ được hướng dẫn sử dụng các kỹ năng đã được dạy để học tập, tư duy trừu tượng,…

6. Hoạt động trị liệu (OT)

Hoạt động trị liệu (Occupational Therapy – OT) giúp trẻ tự kỷ có khả năng phối hợp vận động giữa các cơ và khớp, đặc biệt là các chi trên. Ngoài ra, phương pháp này cũng giúp trẻ thực hiện các hoạt động tự chăm sóc như ăn uống, tắm, chải tóc, mặc quần áo, đi vệ sinh,…

các phương pháp giáo dục cho trẻ tự kỷ
Hoạt động trị liệu (OT) giúp trẻ tự kỷ thực hiện các hoạt động đơn giản đến phức tạp để có thể tự chăm sóc bản thân

Hoạt động trị liệu sử dụng khá nhiều dụng cụ hỗ trợ tùy theo tình trạng cụ thể của từng trẻ. Cụ thể nếu trẻ bị yếu chi dưới hoặc giữ thăng bằng kém, gia đình nên lắp thêm thanh cầm ở bồn tắm để trẻ có thể tự tắm rửa. Cứ như vậy, hoạt động trị liệu giúp trẻ tự thực hiện được các hoạt động tự chăm sóc thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình như trước.

7. Phương pháp PCS

Phương pháp PCS – Picture Communication Symbols còn được gọi là phương pháp giao tiếp bằng ký hiệu. Phương pháp này ra đời vào năm 1981 bởi Mayer-Johnson. Phương pháp PCS sử dụng hệ thống các hình vẽ có màu đen trắng hoặc hình vẽ màu đơn giản để giúp trẻ tự kỷ có thể giao tiếp.

Xem Thêm:   6+ Phương Pháp Giáo Dục Trẻ Em Hiệu Quả, Trẻ Ngoan, Đạo Đức
các phương pháp giáo dục cho trẻ tự kỷ
Phương pháp PCS là phương pháp giáo dục cho trẻ bị tự kỷ nặng

Vì hình ảnh là những biểu tượng đơn giản và rõ ràng nên những trẻ bị tự kỷ nặng có thể hiểu được và sử dụng trong giao tiếp. Hiện nay, các ký hiệu PCS đã được dịch sang 40 ngôn ngữ khác nhau để thuận tiện cho việc can thiệp, trị liệu cho trẻ tự kỷ. Ở Việt Nam, phương pháp này không thực sự phổ biến nhưng rất được quan tâm ở Mỹ và các nước Châu Âu.

8. Biện pháp COMPC

Biện pháp COMPC (Communication Picture) là một trong những phương pháp giáo dục cho trẻ tự kỷ khá hiệu quả. Phương pháp này xuất hiện lần đầu tiên ở Úc và mục tiêu là giúp trẻ học cách giao tiếp thông qua hình ảnh được chụp lại. Nội dung hình ảnh thường là những thứ quen thuộc, đồ vật hay phong cảnh của những nơi mà trẻ từng đến.

phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ
Phương pháp COMPC sử dụng hình ảnh là những hình chụp đồ vật và không gian quen thuộc để dạy trẻ cách giao tiếp

Nội dung hình ảnh bắt buộc phải là những thứ quen thuộc hoặc những thứ mà trẻ thích thú. Có như vậy, trẻ mới có hứng thú khi học tập và không cảm thấy khó chịu hay chống đối.

9. Trị liệu phân tâm

Trị liệu phân tâm (Psychoanalytic Therapy) được thực hiện bằng hình thức trò chuyện và vui chơi với trẻ tự kỷ. Qua đó giúp trẻ giải tỏa căng thẳng dồn nén và hệ thống lại nhân cách của trẻ. Mục tiêu của trị liệu phân tâm là giúp cải thiện bầu không khí gia đình và người thân của trẻ có thể chấp nhận về bệnh tình của trẻ. Như vậy, gia đình có thể giữ được sự lạc quan, vui vẻ khi chung sống và chăm sóc trẻ.

phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ
Trị liệu phân tâm là một trong những phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ hiệu quả hiện nay

Trị liệu phân tâm giúp xây dựng môi trường sống lành mạnh cho trẻ tự kỷ. Trong quá trình trị liệu, chuyên gia cũng sẽ khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động sinh hoạt của tập thể từ gia đình, nhà trường cho đến xã hội. Phương pháp này giúp trẻ tăng tương tác xã hội và dần cải thiện những khiếm khuyết về chức năng.

10. Phương pháp tâm vận động

Tâm vận động là phương pháp thông qua vận động cơ thể và các hoạt động vui chơi để giúp trẻ biểu lộ cảm xúc, phát triển các yếu tố tạo nên nhân cách như tâm sinh lý, cơ thể, nhận thức, vận động, giao tiếp xã hội,… Thông qua phương pháp này, trẻ có thể bộc lộ con người và khẳng định bản thân.

11. Phương pháp chỉnh âm và trị liệu ngôn ngữ

Trị liệu ngôn ngữ là phương pháp can thiệp thường thấy cho trẻ tự kỷ và trẻ mắc các rối loạn có biểu hiện rối loạn ngôn ngữ. Khả năng ngôn ngữ kém khiến cho trẻ tự kỷ gặp khó khăn về liên hệ và tương tác với những người xung quanh. Do đó, các chuyên gia cho rằng, dạy trẻ nói là cơ sở để phát triển các chức năng còn lại.

12. Trò chơi trị liệu

Trò chơi trị liệu là biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ ở lứa tuổi mầm non. Trong đó, trò chơi đóng vai được đánh giá mang lại kết quả khả quan nhất. Trong phương pháp này, người đóng vai sẽ tưởng tượng bản thân là những nhân vật khác nhau và biểu lộ đầy đủ các cảm xúc.

Các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ
Trò chơi trị liệu sẽ giúp trẻ tăng nhận thức và có thể hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa

Thông qua trò chơi đóng vai, trẻ có thể nhận thức được cảm xúc và nghề nghiệp của những người xung quanh. Phương pháp này thể hiện mức độ cao trong phát triển nhận thức. Nếu thành công, trẻ tự kỷ sẽ có cơ hội được hòa nhập với cộng đồng và học tập, phát triển thuận lợi.

13. Nghệ thuật trị liệu

Nghệ thuật trị liệu là một trong các biện pháp can thiệp hiệu quả cho trẻ tự kỷ. Mục tiêu của phương pháp này là giúp trẻ tăng tương tác xã hội, giảm các hành vi tiêu cực và phát triển thế mạnh của bản thân. Thực tế, có khá nhiều trẻ tự kỷ có thiên hướng nghệ thuật. Nếu phát hiện sớm, trẻ có thể phát huy thế mạnh của bản thân và đạt được thành công trong tương lai.

Các phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ
Nghệ thuật trị liệu là phương pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ được đánh giá cao về hiệu quả

Nghệ thuật trị liệu bao gồm các phương pháp sau:

  • Âm nhạc trị liệu: Phương pháp này sử dụng âm nhạc để thâm nhập vào thế giới tình cảm của trẻ tự kỷ. Trẻ mắc chứng bệnh này thường đắm chìm trong thế giới riêng và rất ít khi chú ý đến những âm thanh xung quanh. Tuy nhiên, âm nhạc có sức mạnh vô cùng kì diệu. Giai điệu có thể xuyên vào või tiềm thức của trẻ một cách tự nhiên giúp trẻ tăng hứng thú và tỏ ra quan tâm hơn với thế giới xung quanh. Âm nhạc trị liệu được thực hiện với mục đích cải thiện tương tác xã hội và giảm các hành vi bất lợi ở trẻ tự kỷ.
  • Vẽ và nặn: Trong phương pháp này, trẻ sẽ được thoải mái vẽ và nặn theo ý thích mà không bị gò bó bởi tính đúng sai. Hoạt động vẽ và nặn giúp trẻ tăng khả năng phối hợp tay – mắt, nâng cao khả năng vận động tinh, tăng sự tập trung, chú ý và học cách làm chủ các hành vi có ý thức. Ngoài ra, vẽ và nặn cũng sẽ giúp tăng tính sáng tạo và bộc lộ thiên hướng nghệ thuật từ sớm.
  • Đồng dao, thơ ca: Ngoài các phương pháp trên, trẻ tự kỷ cũng có thể được trị liệu bằng thơ ca và đồng dao. Thay vì dạy trẻ ghi nhớ một cách máy móc, phương pháp này sử dụng đồng dao và thơ ca để giúp trẻ đọc chữ. Các bài đồng dao thường có vần điệu, ca từ đơn giản, dễ thuộc và nội dung tươi sáng nên sẽ tăng sự hứng thú và giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn. Trong quá trình học, trẻ sẽ tự do học tập mà không bị gò bó hay áp lực.

14. Phương pháp nhóm

Trẻ tự kỷ gặp vấn đề về tương tác xã hội và giao tiếp. Thay vì hòa nhập với mọi người, trẻ thường chơi một mình và gần như đắm chìm trong thế giới riêng. Tương tác xã hội kém khiến cho trẻ tự kỷ rất khó khăn trong việc học tập, kết bạn và phát triển nhận thức.

Phương pháp nhóm được thực hiện nhằm giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với bạn bè đồng trang lứa. Khi tham gia trị liệu, trẻ sẽ bắt chước hành vi của bạn bè, từ đó hiểu hơn về cách ứng xử và thái độ của những người xung quanh. Phương pháp này giúp trẻ tự kỷ tăng khả năng tương tác và hòa nhập.

15. Lao động trị liệu

Lao động trị liệu là một trong những biện pháp can thiệp trẻ tự kỷ được quan tâm hiện nay. Phương pháp này hướng dẫn trẻ thực hiện các công việc tại trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ hoặc các công việc gia đình. Lao động trị liệu giúp trẻ có kỹ năng tự chăm sóc bản thân, sống tự lập và nhận thức sâu sắc hơn về các sự việc, hiện tượng trong môi trường tự nhiên.

16. Thủy trị liệu

Thủy trị liệu là phương pháp giúp tăng nhận thức về cảm giác của cơ thể và da đối với nước. Ngoài ra, trẻ cũng có thể tăng cảm nhận và giữ thăng bằng tốt hơn trong quá trình trị liệu. Các trò chơi với nước sẽ được thiết kế phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Biện pháp này vừa giúp trẻ cải thiện chức năng vừa mang đến sự thoải mái, hứng thú cho trẻ tự kỷ.

Xem Thêm:   Trẻ Sơ Sinh Có Bị Tự Kỷ Không? Làm Sao Nhận Biết Tự Kỷ Ở Trẻ?
các phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ
Thủy trị liệu giúp trẻ tăng nhận thức về cảm giác và cải thiện được khả năng giữ thăng bằng

17. Dã ngoại trị liệu

Dã ngoại trị liệu được thực hiện nhằm giúp trẻ tự kỷ tăng khả năng thích nghi khi thay đổi môi trường. Thông thường, trẻ tự kỷ sẽ rất khó chịu nếu bị thay đổi môi trường sống. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong việc học tập của trẻ và ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của những thành viên trong gia đình.

Để trẻ có thể thích nghi với môi trường mới, gia đình có thể tổ chức các buổi dã ngoại. Nên thiết kế buổi dã ngoại phù hợp với sở thích và độ tuổi để có thể kích thích sự tò mò và khám phá của trẻ. Ở môi trường đầy hứng thú, trẻ có thể phát huy các giác quan cùng một lúc, cải thiện khả năng vận động, cảm nhận cơ thể và tăng nhận thức về thế giới xung quanh.

Hơn nữa, khi được khám phá môi trường mới, trẻ tự kỷ có thể thay đổi các hành vi lặp đi lặp lại trong môi trường quen thuộc. Dần dần trẻ sẽ yêu thích khi đến môi trường mới và không có phản ứng tăng động khi thay đổi môi trường sống hoặc môi trường học tập.

18. Các biện pháp y sinh học

Các phương pháp y sinh học không thể điều trị hoàn toàn chứng tự kỷ. Tuy nhiên, các biện pháp này phần nào có thể kiểm soát triệu chứng ở trẻ tự kỷ. Kết hợp biện pháp y sinh học và trị liệu có thể giúp trẻ giảm tính hiếu động, thay đổi các hành vi rập khuôn, không phù hợp, tăng khả năng chú ý,….

Các biện pháp y sinh học được áp dụng cho trẻ tự kỷ:

  • Liệu pháp hóa dược: Thường dùng thuốc chống loạn thần (Haloperidol), thuốc kháng serotonin (Fenfluramine), thuốc kháng opiate (Naltrexone), thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Clomipramine), thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (Fluoxetin),… Trẻ tự kỷ còn được dùng thêm magnesium và vitamin B6 để giảm nhẹ triệu chứng.
  • Giải độc hệ thống: Giải độc hệ thống là phương pháp được phát triển từ giả thuyết cho rằng những khiếm khuyết trong quá trình phát triển thần kinh là do nhiễm độc thủy ngân. Phương pháp này được thực hiện nhằm đào thải thủy ngân ra bên ngoài. Tuy nhiên, giải độc hệ thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong khi lợi ích chưa được biết rõ. Do đó, đến nay phương pháp này vẫn chưa được công nhận là phương pháp chính thống.
  • Chế độ ăn kiêng: Chế độ ăn kiêng được phát triển từ giả thuyết cho rằng tự kỷ xảy ra do dị ứng, thiếu dinh dưỡng và rối loạn nội tiết tố. Chế độ ăn kiêng dành cho trẻ tự kỷ bao gồm kiêng bột mì, sữa và đường để giảm triệu chứng. Dù vậy, vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh hiệu quả thực sự mà phương pháp này mang lại.
  • Vật lý trị liệu: Trẻ tự kỷ thường có hành vi rập khuôn và hoạt động kém do ảnh hưởng của bệnh. Vật lý trị liệu được thực hiện nhằm giúp trẻ phát triển các hành vi tích cực, gia tăng các hành vi phù hợp với hoàn cảnh và thay đổi những hành vi định hình, lặp đi lặp lại. Phương pháp này thường được áp dụng cùng với các biện pháp can thiệp cho trẻ tự kỷ khác để tối ưu hiệu quả.
  • Bấm huyệt: Mục đích của bấm huyệt đối với trẻ tự kỷ là tạo hưng phấn, từ đó điều chỉnh các rối loạn chức năng và cải thiện một số vấn đề sức khỏe thể chất. Hiện tại, phương pháp này chỉ được áp dụng chủ yếu ở các quốc gia Đông Á và Đông Nam Á. Bấm huyệt chưa được công nhận về hiệu quả đối với trẻ tự kỷ nhưng là phương pháp an toàn nên vẫn được áp dụng khá rộng rãi.
  • Phản hồi thần kinh (Neurofeedback – NFB): Phương pháp này hoạt động bằng cách phản hồi tức thời trên hoạt động của sóng điện não, từ đó có thể thay đổi các hoạt động của não bộ. Phản hồi thần kinh là phương pháp phức tạp và được đánh giá mang đến hy vọng lớn cho trẻ tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý. Phương pháp NFB được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi chức năng não, qua đó giúp trẻ cải thiện giao tiếp xã hội và tăng khả năng học tập.
  • Phương pháp oxy cao áp (HBO): Phương pháp oxy cao áp (Hyperbaric Oxygen – HBO) được thực hiện bằng cách cho trẻ tự kỷ ở trong môi trường oxy thuần khiết với áp lực lớn hơn 1.4 atmosphere. Như vậy, oxy trong máu sẽ tăng lên nhiều lần so với bình thường. Phương pháp này có thể giảm các triệu chứng thể chất và nâng cao sức khỏe cho trẻ tự kỷ.
  • Trị liệu tế bào gốc: Chữa tự kỷ bằng tế bào gốc là phương pháp được quan tâm trong những năm gần đây. Tế bào gốc là những tế bào chủ có thể sửa chữa và thay thế những tế bào bị tổn thương, thoái hóa. Hiện nay, phương pháp này được áp dụng trong điều trị các bệnh mãn tính bao gồm cả rối loạn tự kỷ. Tuy nhiên, trị liệu tế bào gốc chỉ có thể thành công khi các chuyên gia giải mã hoàn chỉnh bản đồ gen của người.

19. Các phương pháp khác

Ngoài các biện pháp can thiệp, giáo dục cho trẻ tự kỷ trên, vẫn còn một số phương pháp khác được áp dụng bao gồm:

các phương pháp giáo dục trẻ tự kỷ
Động vật trị liệu được đánh giá là phương pháp tiềm năng trong trị liệu cho trẻ tự kỷ
  • Động vật trị liệu: Động vật trị liệu có thể được xem xét cho trẻ tự kỷ. Phương pháp này cho phép trẻ tiếp xúc với động vật, những phản ứng của động vật sẽ giúp trẻ cởi mở hơn và có thể giảm các hành vi định hình lặp đi lặp lại. Ngoài ra, việc tiếp xúc với động vật cũng sẽ giúp trẻ hình thành cảm giác hứng thú khi tương tác với người thân và bạn bè đồng trang lứa.
  • Chơi trên máy tính: Trẻ tự kỷ thường bị cuốn hút bởi những trò chơi trên máy tính. Các hình ảnh, âm thanh và màu sắc nổi bật sẽ thu hút được sự quan tâm và chú ý của trẻ. Hiện nay, đã có nhiều chương trình giáo dục và trò chơi được thiết kế dành riêng cho trẻ tự kỷ nhằm giúp trẻ rèn luyện trí nhớ, tăng khả năng phản xạ, nhận biết màu sắc, hình khối, chữ cái, con số,…

Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển lan tỏa nên một phương pháp không thể cải thiện toàn diện những khiếm khuyết của trẻ. Do đó, cần phải phối hợp linh hoạt các biện pháp can thiệp giáo dục cho trẻ tự kỷ. Nếu được can thiệp sớm và đúng cách, trẻ có thể cải thiện các chức năng và hòa nhập được với cộng đồng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *