Trẻ có suy nghĩ tự sát thường cố gắng che giấu ý định của bản thân. Để kịp thời ngăn chặn, gia đình cần phát hiện sớm thông qua những biểu hiện bất thường. Ngoài ra, cần chăm sóc sức khỏe tinh thần lâu dài để trẻ ổn định lại tâm lý và biết cách giải tỏa lành mạnh thay vì tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Cùng Luật Trẻ Em Thủ Đô tìm hiểu nhé.

suy nghĩ tự sát
Gia đình cần phát hiện sớm trẻ có suy nghĩ tự sát để có phương án xử lý và ngăn chặn kịp thời

Các dấu hiệu nhận biết trẻ có suy nghĩ tự sát

Theo một vài khảo sát ở nước ta, tỷ lệ trẻ em có các vấn đề tâm lý đang gia tăng mạnh trong những năm gần đây. Trong đó, 6.3% trẻ có suy nghĩ về cái chết, 4.6% trẻ lên kế hoạch tự sát và 5.8% trẻ nỗ lực thực hiện các hành vi tự tử để giải thoát bản thân. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, con số này trên thực tế có thể nhiều hơn so với kết quả của các nghiên cứu.

Trước bối cảnh tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên tự sát tăng cao, gia đình cần trang bị những kiến thức cần thiết để kịp thời phát hiện và ngăn chặn khi trẻ có suy nghĩ tự sát. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến suy nghĩ tự sát ở trẻ em như trầm cảm, stress, rối loạn lo âu do áp lực học tập, kỳ vọng từ gia đình, bị lạm dụng tình dục, thất bại trong tình yêu,…

Vì các em đang trong giai đoạn phát triển và chưa có sự vững vàng về mặt tâm lý nên khi đối mặt với những khó khăn trên, trẻ dễ rơi vào trạng thái u uất và hình thành những suy nghĩ lệch lạc về cái chết. Hơn nữa, sự tràn lan của những thông tin và nội dung độc hại cũng thôi thúc trẻ em có suy nghĩ, hành vi tự sát.

Trẻ em – đặc biệt là trẻ trong độ tuổi dậy thì sẽ có khá nhiều thay đổi về tâm sinh lý do ảnh hưởng của hormone. Tuy nhiên, đa phần bố mẹ đều không quá quan tâm đến những vấn đề này mà chỉ cho rằng trẻ đang “ẩm ương”. Sự chủ quan và thiếu hiểu biết của gia đình chính là lý do khiến cho tỷ lệ rối loạn tâm lý, tâm thần và tự sát ở trẻ tăng lên đáng kể.

suy nghĩ tự sát
Trẻ có suy nghĩ tự sát thường rơi vào trạng thái buồn bã, bi quan, vô vọng và tự đánh giá thấp bản thân

Gia đình có thể phát hiện trẻ có suy nghĩ tự sát thông qua những dấu hiệu sau:

  • Luôn trong trạng thái buồn rầu, bi quan, chán nản
  • Tỏ ra không hào hứng và mất đi sự quan tâm với những thứ trẻ yêu thích trước đây
  • Trẻ có xu hướng nhốt mình trong phòng và ít trò chuyện với mọi người
  • Đôi khi trẻ có những câu nói mang hàm ý về cái chết, đồng thời thể hiện rõ sự bi quan và vô vọng về tương lai
  • Thiếu tự tin, tự đánh giá thấp bản thân
  • Giảm trí nhớ, khó ngủ, mất ngủ và giảm khả năng tập trung. Tuy nhiên, nhiều trẻ có thể ngủ li bì và ngủ liên tục trong nhiều giờ liền.
  • Ăn uống quá mức hoặc chán ăn, ăn uống kém
  • Một số trẻ trở nên cáu kỉnh, tức giận và dễ nổi nóng
  • Trẻ có suy nghĩ tự sát đôi khi có các thói quen thiếu lành mạnh như uống rượu bia, hút thuốc và thậm chí là sử dụng chất gây nghiện
  • Có hành vi cất giấu dao, kéo, dây thừng, thuốc trừ sâu, thuốc ngủ,…
Xem Thêm:   6+ Phương Pháp Giáo Dục Trẻ Em Hiệu Quả, Trẻ Ngoan, Đạo Đức

Trẻ có suy nghĩ tự sát sẽ không thể hiện rõ ý định của bản thân với những người xung quanh. Thông thường, trẻ sẽ chỉ than vãn về những khó khăn trong cuộc sống và thể hiện rõ sự bi quan, buồn bã trong lời nói, biểu cảm khuôn mặt. Do đó, gia đình cần tinh ý để kịp thời phát hiện những vấn đề của con và can thiệp các phương pháp ngăn chặn kịp thời.

Trẻ có suy nghĩ tự sát – Làm sao để ngăn chặn?

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tự sát nhưng đa phần đều có liên quan đến trầm cảm, rối loạn lo âu và các dạng rối loạn tâm thần khác. Các bệnh lý này cần phải được điều trị mới có thể thuyên giảm hoàn toàn. Do đó, ngoài việc ngăn chặn tạm thời, gia đình cần có biện pháp lâu dài để giúp trẻ phục hồi sức khỏe tinh thần và gạt bỏ hoàn toàn ý nghĩ tự sát.

Khi nhận thấy trẻ có suy nghĩ tự sát, gia đình nên thực hiện các biện pháp sau đây:

1. Giữ tâm lý bình tĩnh, tránh hoảng loạn

Khi nhận thấy con cái có những hành vi và suy nghĩ bất thường, bố mẹ khó tránh khỏi tình trạng hoảng loạn và mất bình tĩnh. Nhiều gia đình còn có phản ứng trò chuyện trực tiếp và hỏi dồn dập lý do vì sao con trẻ lại có suy nghĩ tiêu cực. Tuy nhiên, cách ứng xử này sẽ khiến cho tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn và trẻ sẽ không thoải mái chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của bản thân.

Việc đầu tiên bố mẹ cần làm đó chính là giữ bình tĩnh và trao đổi kỹ lưỡng để tìm ra giải pháp. Khi thực sự bình tĩnh, gia đình mới có thể có phương án ngăn chặn hiệu quả và giúp con trẻ vượt qua những khó khăn về mặt tinh thần.

Những người có tinh thần yếu có thể bị sang chấn tâm lý sau khi nhận thấy con có suy nghĩ tự sát. Nếu cần thiết, bố mẹ có thể tư vấn tâm lý để nâng đỡ tinh thần. Qua đó vững vàng và kiên cường hơn để có thể giúp con vượt qua trầm cảm, lo âu và tìm lại ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

2. Nên cất giấu những vật dụng có thể thực hiện hành động tự sát

Sau khi lấy lại bình tĩnh, việc bố mẹ cần làm tiếp theo là cất giấu những vật dụng có thể thực hiện hành vi tự sát như dao, dao lam, kéo và những vật dụng nhọn, dây thừng trong nhà. Ngoài ra, nên khéo léo kiểm tra phòng của con để chắc chắn con không cất giấu thuốc trừ sâu hay thuốc ngủ.

Tuy nhiên, gia đình nên hành động một cách khéo léo, tránh để con cảm thấy khó chịu khi bị người khác lục lọi đồ đạc. Bên cạnh đó, nên đưa đón trẻ đi học để ngăn chặn những hành vi tự sát khác. Nếu cần thiết, gia đình có thể trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy thêm để được hỗ trợ trong việc quản lý con trẻ.

3. Xây dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ

Đa số trẻ có suy nghĩ tự sát đều đang ở giai đoạn dậy thì. Đây là giai đoạn khá nhạy cảm khi con có nhiều sự thay đổi về mặt tâm sinh lý. Nếu hỏi trực tiếp về những vấn đề mà con gặp phải trong cuộc sống, trẻ có thể né tránh và cảm thấy không thoải mái khi chia sẻ. Vì vậy, bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện để xây dựng mối quan hệ thân thiết với con.

Ban đầu, nên hỏi han con về những vấn đề đơn giản và động viên, khuyến khích con học tập. Bên cạnh đó, nên bày tỏ sự quan tâm bằng cách nấu những món ăn con yêu thích và chủ động chia sẻ với con những vấn đề bố mẹ từng gặp phải khi còn đi học. Đây là cách tiếp cận tự nhiên và giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi trò chuyện với gia đình.

Xem Thêm:   Trầm Cảm Ở Trẻ Em: Dấu Hiệu Nhận Biết Sớm Và Chữa Trị
trẻ có suy nghĩ tự sát
Bố mẹ nên xây dựng mối quan hệ tin tưởng để con cái chủ động chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống

Trong quá trình xây dựng mối quan hệ với trẻ, bố mẹ nên tránh áp đặt và hạn chế cho lời khuyên. Thay vào đó, nên tập trung vào việc lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm. Thực tế là cha mẹ Việt rất ít khi lắng nghe con cái và đây chính là nguyên nhân con ít chia sẻ, đồng thời có xu hướng sống khép kín và tự giải quyết vấn đề một mình.

Khi xây dựng được mối quan hệ tin tưởng với trẻ, con sẽ chủ động chia sẻ với bố mẹ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Dù sự việc có như thế nào, bố mẹ cũng cần giữ bình tĩnh và thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ thay vì quát mắng trẻ. Bởi trẻ đang bị tổn thương tâm lý và có khả năng tự sát nếu bố mẹ không cư xử khéo léo.

4. Hướng dẫn trẻ xử lý những vấn đề trong cuộc sống

Trên thực tế, trẻ ở độ tuổi dậy thì và thanh thiếu niên chưa có kinh nghiệm sống. Vì vậy khi phải đối mặt với những vấn đề nan giải, trẻ không biết cách xử lý và vượt qua. Thậm chí một số trẻ trở nên u uất, bi quan và muốn tìm đến cái chết để giải thoát bản thân. Sau khi lắng nghe những chia sẻ từ con, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ xử lý những vấn đề trong cuộc sống.

Với sự hỗ trợ của gia đình, trẻ sẽ rất nhanh lấy lại những cảm xúc tích cực và vượt qua được những thử thách đầu đời. Tuy nhiên, nếu con phải đối mặt với những sự việc nghiêm trọng, bố mẹ nên trao đổi với nhà trường để tìm phương án giải quyết.

5. Khuyến khích con tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý

Sự chia sẻ, đồng cảm của gia đình sẽ giúp con vượt qua tổn thương tâm lý và lấy lại cảm xúc tích cực. Tuy nhiên, để điều trị dứt điểm những rối loạn tâm lý và tâm thần ở con trẻ, bố mẹ nên khuyến khích con tìm gặp chuyên gia tâm lý.

Do trẻ khá nhạy cảm với việc tìm gặp chuyên gia tâm lý nên bố mẹ cần giải thích để trẻ hiểu bất cứ ai cũng cần được chăm sóc về mặt tinh thần. Việc tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý sẽ giúp con gạt bỏ những cảm xúc tiêu cực, học cách tự tin hơn và biết cách cân bằng cảm xúc.

Trong trường hợp con có hành vi kích động và chống đối, gia đình nên đưa trẻ nhập viện. Việc này sẽ để lại tổn thương đáng kể hơn so với việc bố mẹ đưa ra lời khuyên và nhận được sự đồng ý của con. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, việc cưỡng chế sẽ giúp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây tổn thương cho chính bản thân trẻ và những người xung quanh.

6. Can thiệp trị liệu gia đình

Nguyên nhân gốc rễ dẫn đến việc trẻ có suy nghĩ tự sát là gia đình thiếu sự thấu hiểu, ít chia sẻ và giáo dục không đúng cách. Phần lớn cha mẹ Việt đều quá áp đặt, kỳ vọng vào con cái và thiếu sự thấu hiểu. Vì vậy, khi đối mặt với khủng hoảng tuổi dậy thì, con không tìm cách chia sẻ mà tự mình giải quyết và đối mặt với mọi vấn đề.

trẻ có suy nghĩ tự sát
Trị liệu gia đình giúp bố mẹ thấu hiểu con cái và biết cách chia sẻ, đồng cảm

Sự khác biệt giữa hai thế hệ khiến bố mẹ khó có thể hiểu được tâm lý của con. Chính vì thế, nên xem xét trị liệu gia đình. Phương pháp này giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị các rối loạn tâm lý, tâm thần ở trẻ. Đồng thời giúp gia đình hiểu được tâm lý của con và có thái độ, cách ứng xử phù hợp hơn.

Thấu hiểu chính là “chìa khóa” để giúp trẻ tin tưởng vào gia đình và chủ động chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong cuộc sống. Khi có chỗ dựa tinh thần vững chắc, trẻ sẽ ít gặp phải các vấn đề tâm lý và gạt bỏ hoàn toàn suy nghĩ tự sát. Hơn nữa, sự đồng hành của gia đình cũng chính là điều kiện để con phát triển lành mạnh và hình thành những phẩm chất tốt đẹp.

Xem Thêm:   Trẻ Em Nên Thức Dậy Lúc Mấy Giờ? Nên Ngủ Lúc Mấy Giờ?

7. Giúp con nhận ra những giá trị trong cuộc sống

Ở giai đoạn đang phát triển, trẻ không tránh khỏi những suy nghĩ lệch lạc và méo mó. Đa phần trẻ đều cho rằng bản thân xấu xí, năng lực kém và có vị trí thấp hơn so với người khác. Khi đối mặt với khó khăn, trẻ thường than vãn và trách móc thay vì nỗ lực cố gắng.

Vì không nhận ra những giá trị bản thân đang sở hữu nên con thường có ý nghĩ tự sát và tìm đến cái chết để giải thoát khi gặp phải khó khăn. Do đó, để ngăn chặn lâu dài những hành vi tự sát và tự hại, bố mẹ nên cho trẻ thấy những giá trị bản thân đang sở hữu.

Nên giáo dục để con biết rằng, sống trong gia đình có đủ đầy các thành viên, được yêu thương, quan tâm và chăm sóc đã là điều rất tuyệt vời. Hơn nữa, con còn có bạn bè và những người thân luôn quan tâm, đồng hành vượt qua mọi khó khăn.

Bên cạnh đó, nên giúp trẻ nhận ra ưu điểm và hạn chế của bản thân. Gia đình không nên quá áp đặt và kỳ vọng vào con, thay vào đó nên cho trẻ phát triển năng khiếu và trang bị thêm kỹ năng mềm. Thực tế, phần lớn trẻ bị trầm cảm và tự sát đều thiếu kỹ năng giải tỏa cảm xúc. Vì không biết cách giải tỏa lành mạnh nên theo thời gian stress tích tụ dần khiến trẻ bị trầm cảm và thôi thúc hành vi tự sát để giải thoát bản thân.

8. Cùng con thực hiện những hành động ý nghĩa

Trong quá trình điều trị, bố mẹ nên cùng con thực hiện những hành động ý nghĩa như giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, tham gia các chiến dịch tuyên truyền bảo vệ môi trường,… Các hành động ý nghĩa này sẽ giúp con hình thành phẩm chất tốt đẹp và học cách quý trọng những giá trị bản thân đang sở hữu.

trẻ có suy nghĩ tự sát
Gia đình nên cùng thực hiện những hành động ý nghĩa để trẻ nhận ra ý nghĩa và có động lực hơn trong cuộc sống

Ngoài ra, việc giúp đỡ mọi người cũng sẽ giúp con tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống và xác định được mục tiêu trong tương lai thay vì vô vọng, bi quan như trước đây. Cùng nhau tham gia các hoạt động có ích cũng sẽ giúp gắn kết các thành viên và củng cố vị trí của gia đình trong lòng con trẻ.

9. Nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe tinh thần cho trẻ

Rất ít gia đình hướng dẫn con cách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Điều mà bố mẹ quan tâm nhất là kết quả học tập và sức khỏe thể chất của con. Đây cũng chính là lý do hầu hết trẻ đang trong quá trình phát triển đều không biết cách giải tỏa cảm xúc một cách lành mạnh.

Ngoài việc trang bị cho con những kiến thức cần thiết về sức khỏe thể chất, bố mẹ cũng cần dạy cho con trẻ cách giải tỏa căng thẳng, cân bằng cảm xúc và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Bên cạnh đó, nên tạo cho trẻ môi trường sống thoải mái để con chủ động chia sẻ với người thân những khó khăn trong cuộc sống.

Nếu cần thiết, có thể cho trẻ tham gia các lớp kỹ năng mềm để học cách giao tiếp, kết bạn, duy trì các mối quan hệ, làm việc nhóm và xử lý mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống. Những kỹ năng này sẽ giúp con giảm thiểu stress và tránh được những vấn đề tâm lý trong giai đoạn phát triển.

Hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ đã biết cách xử lý và ngăn chặn khi trẻ có suy nghĩ tự sát. Nếu gặp khó khăn trong vấn đề này, nên tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý để được hướng dẫn chi tiết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *