Vận dụng bài tập dành cho trẻ bị tăng động giảm chú ý được cho là một phần quan trọng với quá trình điều trị. Thực hành các bài tập này thường xuyên giúp trẻ đốt cháy năng lượng dư thừa, cải thiện khả năng tập trung, ghi nhớ và tư duy tốt hơn.

bài tập cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý
Thực hành các bài tập cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm trí nhớ giúp cải thiện tư duy và sự tập trung hiệu quả

Khi nào nên áp dụng các bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý?

Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) là dạng rối loạn phát triển thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến rất nhiều trẻ em trên toàn thế giới. Các triệu chứng ADHD thường tiếp diễn và kéo dài dai dẳng cho tới khi trẻ trưởng thành.

ADHD đặc trưng bởi các tình trạng trẻ không thể duy trì sự tập trung, hiếu động quá mức, thậm chí còn xuất hiện các hành vi bốc đồng, quậy phá, chống đối. Điều này khiến cho trẻ gặp phải vô vàn rắc rối, cản trở trong việc học hành cũng như cuộc sống thường ngày.

Mặc dù đã trải qua nhiều nghiên cứu nhưng các chuyên gia vẫn chưa thể tìm thấy nguyên nhân cụ thể gây ra căn bệnh này. Do đó, việc điều trị ADHD ở trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh các phương pháp y tế, cha mẹ được khuyên là nên thực hiện các bài tập dành riêng cho trẻ bị tăng động giảm chú ý.

Các chuyên gia khuyên rằng, các bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý nên được áp dụng sớm. Ngay khi phát hiện ra trẻ gặp phải các triệu chứng bất thường thì phụ huynh cần đưa trẻ đi thăm khám để được can thiệp điều trị. Và việc áp dụng các bài tập được xem là một phần của kế hoạch điều trị.

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp phát hiện sớm chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ:

  • Trẻ không thể nào tập trung được quá lâu vào việc học, thậm chí còn không thể chú ý đến những lời nói bên ngoài
  • Thường xuyên cử động tay chân và dường như không thể ngồi yên một chỗ quá lâu
  • Trẻ không đủ kiên nhẫn trong việc phải chờ đợi
  • Khi phải thực hiện một công việc nào đó thì trẻ thường xuyên phạm lỗi
  • Trẻ rất dễ làm mất đồ đạc như sách, vở, bút, đồ chơi,…
  • Trẻ gặp nhiều khó khăn với việc bố trí và sắp xếp công việc hằng ngày
  • Trẻ hay ngắt ngang lời người khác đang nói hoặc chen ngang vào câu chuyện của người khác

Vai trò của các bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý

Các bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý có thể bao gồm cả những bài tập thể chất và bài tập cải thiện trí não cũng như khả năng tư duy. Nên có sự kết hợp các dạng bài tập với nhau để trẻ ADHD nhận được nhiều lợi ích nhất.

Các bài tập thể chất thường được thực hành với mục đích giải phóng bớt nguồn năng lượng dư thừa. Đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể, giúp tinh thần của trẻ được thư giãn và thoải mái, giảm bớt lo lắng.

Trong khi đó, các bài tập rèn luyện trí não lại giúp trẻ cải thiện tốt khả năng tập trung. Giúp trẻ phát triển tư duy, trí tuệ và tăng cường khả năng ghi nhớ. Thực hành các bài tập đơn giản có thể giúp trẻ cải thiện được sự tập trung khi học tập. Đồng thời chú ý đến những lời dặn dò của cha mẹ, thầy cô và người lớn.

Ngoài ra, việc hỗ trợ trẻ thực hành các bài tập cũng sẽ giúp cho mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được củng cố. Từ đó giúp trẻ ADHD nâng cao lòng tự trọng của bản thân và hình thành tính trách nhiệm trong cuộc sống.

10 Bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý rất đơn giản

Một trong những thách thức lớn của việc đối phó với chứng rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ là những đứa trẻ này có xu hướng tăng động, chú ý ngắn và thường xuyên có hành vi bốc đồng.

Xem Thêm:   Trẻ Chậm Nói: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Nhận Biết Và Cách Chữa

Các vấn đề về hành vi sẽ gia tăng nếu như nguồn năng lượng dư thừa của trẻ không được giải quyết. Ngoài ra trẻ còn có các hành vi thiếu thận trọng rất dễ gây ra chấn thương, tai nạn. Chẳng hạn như chạy xe quá nhanh, leo cầu thang không cẩn thận, băng qua đường không chú ý,…

Dưới đây là 10 bài tập có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng tăng động giảm chú ý ở trẻ em:

1. Bơi lội giúp đốt cháy năng lượng dư thừa ở trẻ ADHD

Bơi lội từ lâu đã được xem là một hoạt động thư giãn tốt cho nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau. Đặc biệt, với những trẻ bị ADHD thì bơi lội có thể giúp đốt cháy năng lượng dư thừa. Từ đó giúp trẻ không biến năng lượng dư thừa của mình thành các hành động không phù hợp với xã hội như la hét hay thô bạo.

bài tập giải phóng năng lượng cho trẻ ADHD
Bơi lội giúp cho những trẻ mắc chứng ADHD giải phóng bớt năng lượng dư thừa

Ngoài ra, bơi lội còn có thể giúp làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc. Mặc dù vẫn cần dùng thuốc để giữ cho trẻ tập trung hơn vào các hoạt động chậm như bài tập ở trường. Tuy nhiên, các hoạt động năng lượng cao như bơi lội có thể đủ kích thích giúp trẻ cần ít thuốc hơn nhưng vẫn giữ được tỉnh táo và tập trung vào nhiệm vụ trước mắt.

Bơi lội có tính lặp đi lặp lại giúp trẻ tập trung vào 1 nhóm chuyển động và tinh chỉnh các chuyển động đó. Ngoài ra, bộ môn thể thao này còn có khả năng kích thích giác quan. Việc cảnh giác về mùi, âm thanh và xúc giác trong bể bơi sẽ giúp trẻ rèn luyện trí não, chống lại chứng ADHD.

2. Bài tập võ thuật cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý

Trẻ ADHD thường được cho là thiếu kỷ luật. Tuy nhiên đây thường chỉ là biểu hiện của việc chúng quá dư thừa năng lượng và gặp khó khăn trong điều chỉnh hoạt động. Rất nhiều trẻ ADHD có xu hướng chống lại các môn thể thao đồng đội vì không tuân theo các quy tắc.

Võ thuật là bài tập rất phù hợp cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Bởi các lớp học võ thuật thường được thiết kế với tốc độ nhanh. Hơn nữa còn có hướng dẫn ngắn gọn và đơn giản cho từng bước di chuyển. Võ thuật cũng thường kết hợp nhiều loại tín hiệu thị giác, thính giác và động học.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, võ thuật góp phần tạo ra các đường dẫn thần kinh mới trong não. Từ đó giúp cải thiện cả khả năng tập trung và điều chỉnh cảm xúc. Trong khi cả 2 lĩnh vực này trẻ ADHD đều gặp khó khăn. Ngoài ra, võ thuật có thể thúc đẩy sự tự tin và lòng tự trọng ở trẻ.

Nhiều bài tập võ thuật khác nhau có thể hữu ích với trẻ bị ADHD. Bạn có thể cho con mình tham gia 1 lớp học võ thuật chẳng hạn như karate, đấu vật hay đấu kiếm Nhật Bản. Trẻ sẽ được rèn luyện các kỹ năng vận động. Đồng thời thúc đẩy hoạt động tập trung và cải thiện tinh thần một cách thú vị.

3. Thiền và Yoga

Trẻ mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý thường có xu hướng vật lộn với sự lo lắng. Lo lắng có thể được định nghĩa chính xác là năng lượng tinh thần dư thừa hướng vào bên trong.

Bài tập thiền chánh niệm và yoga đều hoạt động theo những cách giúp trẻ ADHD phát triển trí lực. Đồng thời có được tinh thần tốt để chống lại suy nghĩ xâm nhập dẫn tới cảm giác lo lắng hoặc buồn chán.

Thiền và yoga có thể được sử dụng để dạy cho trẻ cách nhận ra mối liên hệ giữa cơ thể và tâm trí. Từ đó trở lại trạng thái cân bằng của chúng khi mà chúng bắt đầu cảm thấy mệt mỏi hoặc bốc đồng.

yoga cho trẻ ADHD
Các bài tập yoga giúp làm giảm lo lắng và tăng cường sự tập trung ở trẻ ADHD

Trên thực tế, thiền và yoga đã được chứng minh là giúp tăng cường khả năng kiểm soát sự chú ý. Ngoài ra còn tốt cho não trước – phần não liên quan đến sự chú ý, lập kế hoạch và kiểm soát xung động. Bên cạnh đó còn làm tăng mức dopamine trong não để tạo cảm giác dễ chịu.

4. Bài tập rèn luyện sức bền

Rèn luyện sức bền được đánh giá là một bài tập rất tốt cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Tuy nhiên cần có sự giám sát của người lớn khi trẻ mới bắt đầu sử dụng tạ tự do hoặc máy tập để rèn luyện sức khỏe.

Trẻ ADHD có thể bị bắt nạt do hành vi bất thường hoặc bốc đồng của chúng. Điều này thường đến từ các bạn đồng trang lứa. Có sức mạnh thể chất tốt sẽ có thể chuyển thành sức mạnh tinh thần và cảm xúc. Từ đó giúp trẻ chống lại sự bắt nạt.

Xem Thêm:   Áp Lực Học Tập Ảnh Hưởng Đến Trẻ Như Thế Nào? Cách Khắc Phục

Ngoài ra, việc rèn luyện sức bền còn tạo động lực mạnh mẽ cho trẻ. Từ đó giúp trẻ hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra. Việc vượt qua các chướng ngại vật một cách có kiểm soát sẽ tác động tích cực tới tinh thần.

Các bài tập rèn luyện sức bền không chỉ mang lại cho trẻ ADHD sự tự tin và khả năng phục hồi thể chất. Hơn thế, nó còn thiết lập cho trẻ những thói quen lành mạnh suốt đời để tăng cường sức khỏe tinh thần trong tương lai. Đồng thời ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển thần kinh.

5. Bài tập đếm ngược từ 10 – 0

Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể dễ dàng đọc vanh vách từ 0 – 10. Tuy nhiên khi đếm ngược lại thì trẻ lại gặp nhiều khó khăn, dễ bị lẫn lộn do khả năng tập trung kém. Đếm ngược từ 10 – 0 là bài tập rất đơn giản, phụ huynh có thể yêu cầu trẻ thực hiện khi có thời gian rảnh rỗi.

Lúc đầu, trẻ thường tỏ ra lúng túng nên cha mẹ cần gợi ý khi trẻ mất quá nhiều thời gian mà vẫn không thể đếm ngược tiếp. Sự giúp đỡ từ cha mẹ sẽ tạo động lực giúp trẻ hoàn thành bài tập. Trường hợp để quá lâu trẻ có thể chán nản, mất bình tĩnh và từ chối thực hành bài tập.

bài tập cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý
Bài tập đếm ngược 10 – 0 rất phù hợp với những trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý

Nếu trẻ có khả năng tập trung quá kém thì phụ huynh có thể đọc một dãy số ngắn hơn (chỉ khoảng 3 – 4 con số). Sau đó yêu cầu trẻ đếm ngược lại. Mặc dù khá đơn giản nhưng bài tập này sẽ giúp trẻ ADHD rèn luyện khả năng tư duy và cải thiện sự tập trung.

6. Âm nhạc và khiêu vũ

Âm nhạc và cảm xúc có mối liên hệ mật thiết với nhau. Các chuyên gia cho biết, âm nhạc trong cả nhạc cụ học tập và khiêu vũ đều có thể giúp trẻ ADHD vượt qua rào cản về sự chú ý. Đồng thời học cách tập trung vào các hoạt động tích cực.

Trong khi một số trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý có thể dễ dàng học một nhạc cụ thì những trẻ khác lại cần một hoạt động theo định hướng âm nhạc tập trung vào chuyển động. Khiêu vũ là ví dụ điển hình nhất.

Tham gia các lớp học âm nhạc như học violin hay piano có thể mang lại nhiều lợi ích cho trẻ ADHD tương tự như các hoạt động cá nhân chuyên biệt. Các bài tập nhạc và khiêu vũ sẽ giúp trẻ không cảm thấy buồn chán. Việc hấp thụ liên tục thông tin mới kết hợp với sự kích hoạt của các giác quan sẽ giúp trẻ chú ý tốt hơn.

7. Bài tập ghi nhớ với các thẻ bài

Bài tập ghi nhớ với các thẻ bài rất phù hợp cho những trẻ dưới 10 tuổi bị tăng động giảm chú ý. Phụ huynh nên lựa chọn những thẻ bài có màu sắc sặc sỡ và hình dáng đơn giản. Chẳng hạn như thẻ bài về con vật hay các loại rau củ quả, bánh kẹo để trẻ ghi nhớ.

Ban đầu bạn chỉ nên sử dụng khoảng 2 – 3 lá để cho trẻ xem nội dung. Sau đó úp tất cả các thẻ bài lại và yêu cầu trẻ đọc nội dung của thẻ bài xem có chính xác hay không. Bài tập này sẽ giúp trẻ rèn luyện khả năng tập trung và cải thiện trí nhớ hiệu quả.

bài tập ghi nhớ thẻ bài cho trẻ ADHD
Bài tập ghi nhớ các thẻ bài giúp trẻ bị ADHD cải thiện sự tập trung và khả năng ghi nhớ

Khi thực hiện bài tập ghi nhớ với các thẻ bài, phụ huynh nên chuẩn bị phần thưởng để trẻ cảm thấy hào hứng hơn. Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ chơi cùng với các anh chị em trong nhà hay những người thân khác.

8. Bài tập sao chép hình ảnh

Đối với những trẻ có khả năng về hội họa thì ngoài cho trẻ vẽ tranh và tô màu thì phụ huynh có thể cho trẻ thực hành bài tập sao chép hình ảnh. Nên bắt đầu với các bức tranh đơn giản như hình tròn, hình tam giác, trái cây, con vật,… Sau đó mới từ từ tăng mức độ khó của hình.

Sao chép hình ảnh được đánh giá là bài tập mang lại nhiều lợi ích cho những trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Khi thực hành bài tập này, khả năng ghi nhớ của con sẽ được cải thiện một cách đáng kể. Ngoài ra, con bạn cũng sẽ chú ý nhiều hơn tới những chi tiết và rèn luyện được đức tính kiên nhẫn.

9. Trò chơi úp cốc giấu vật

Úp cốc giấu vật là một trò chơi có khả năng kích thích tư duy và tăng cường trí nhớ ở trẻ nhỏ. Hơn nữa, đây còn là bài tập hỗ trợ rất tốt cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Xem Thêm:   Nhận biết và điều trị bệnh tâm thần phân liệt ở trẻ nhanh chóng

Trò chơi úp cốc giấu vật được thực hiện bằng cách đặt các vật bên trong cốc (phụ huynh nên chọn cốc nhựa có màu để trẻ không thể nhìn thấy vật ở bên trong). Sau đó di chuyển cốc và dừng lại rồi hỏi trẻ vật nằm ở cốc nào.

trò chơi úp cốc giấu vật cho trẻ ADHD
Cha mẹ nên cho trẻ chơi trò úp cốc giấu vật để cải thiện sự tập trung, khả năng ghi nhớ và tư duy

Khi mới bắt đầu trò chơi, phụ huynh nên di chuyển cốc chậm với 2 cốc để trẻ quan sát dễ dàng hơn. Sau đó có thể tăng số lượng cốc và tốc độ di chuyển để thu hút sự chú ý cũng như tập trung của trẻ.

10. Bài tập đi bộ cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý

Cũng giống như nhiều đứa trẻ khác, trẻ em bị ADHD thường được khuyên nên ra ngoài trời khi thời tiết đẹp. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, đi bộ trong môi trường tự nhiên là bài tập rất tốt cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

Đi bộ giúp trẻ đốt cháy nguồn năng lượng dư thừa một cách hiệu quả. Đi bộ đường dài là hoạt động vừa phải giúp trẻ rèn luyện thể chất. Đồng thời giúp ngăn chặn sự hiếu động thái quá của trẻ chuyển thành hành động tiêu cực.

Ngoài ra, việc đi bộ trong thiên nhiên còn giúp làm giảm các triệu chứng ADHD tiêu cực. Trẻ em dành khoảng 20 phút/ ngày đi bộ sẽ giảm đáng kể tỷ lệ mắc các triệu chứng và hành vi ADHD tiêu cực so với những trẻ không được tiếp cận với môi trường tự nhiên.

Bên cạnh đó, đi bộ còn giúp cải thiện những điểm yếu liên quan tới ADHD, ví dụ như các vấn đề về thiếu chú ý và tập trung. Hơn nữa, thường xuyên đi bộ còn giúp làm giảm cân quá mức và hạn chế trẻ sử dụng các thiết bị điện tử quá nhiều.

Lưu ý khi thực hiện bài tập cho trẻ tăng động giảm chú ý

Các chuyên gia cho biết, bệnh tăng động giảm chú ý có xu hướng khởi phát sớm. Trong đó, phần lớn những trường hợp mắc chứng bệnh này đều sẽ phải sống chung với bệnh suốt cả cuộc đời.

Bên cạnh tâm lý trị liệu và sử dụng thuốc thì thực hành các bài tập cho trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý cũng là biện pháp hỗ trợ đắc lực. Nó giúp trẻ có được các kỹ năng cần thiết để kiểm soát triệu chứng, cải thiện sự tập trung và ghi nhớ để phục vụ cuộc sống sau này.

lưu ý khi cho trẻ ADHD thực hành các bài tập
Mẹ không nên la mắng hay trách móc khi trẻ mất tập trung và từ chối hoàn thành các bài tập

Tuy nhiên khi cho trẻ thực hành các bài tập, phụ huynh cần chú ý đến một số vấn đề sau:

  • Cần căn cứ vào độ tuổi cũng như khả năng của trẻ để lựa chọn bài tập phù hợp. Phụ huynh có thể trao đổi với chuyên gia tâm lý để được tư vấn về bài tập thích hợp nhất với tình trạng của con mình.
  • Trên thực tế, có nhiều bài tập và hoạt động khác nhau phù hợp với trẻ ADHD. Tuy nhiên có thể cần một chút thử nghiệm để giúp trẻ tìm thấy sự hứng thú.
  • Một số trẻ ADHD có thể bỏ dở việc thực hiện các bài tập giữa chừng bởi chúng rất khó duy trì sự tập trung lâu dài. Cha mẹ nên dùng những câu hỏi ngắn gọn và dễ hiểu để chỉ ra lỗi của con. Tuyệt đối tránh tình trạng trách mắng trẻ.
  • Có thể cho trẻ thực hành các bài tập cùng với anh chị hoặc những người thân trong gia đình. Nên chuẩn bị phần thưởng hoặc dành lời khen cho trẻ sau khi hoàn thành bài tập.
  • Một số trẻ có thể chạy nhảy lung tung trong khi thực hành các bài tập. Lúc này cha mẹ nên nhắc nhở và yêu cầu trẻ trở lại vấn đề chính. Trường hợp trẻ không hợp tác thì nên dừng bài tập lại và thay đổi sang bài tập thú vị hơn vào ngày hôm sau.
  • Các bài tập sẽ giúp trẻ cải thiện sự tập trung, khả năng ghi nhớ cũng như tính sáng tạo. Tuy nhiên, phụ huynh cần cho trẻ tập luyện thường xuyên song song với trị liệu tâm lý và dùng thuốc.
  • Ngoài ra, phụ huynh cũng cần chú ý cho trẻ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dưỡng chất từ các thực phẩm tươi sạch. Đồng thời thay đổi cách giáo dục để rèn luyện cho trẻ các thói quen tốt, giảm thiểu cảm xúc và hành vi không mong muốn.

Trên đây là 10 bài tập rất hữu ích dành cho trẻ bị tăng động giảm chú ý. Phụ huynh nên cho trẻ thực hành kết hợp cả các bài tập rèn luyện thể chất với rèn luyện trí não để nhận được kết quả tốt nhất. Có thể tham vấn chuyên gia tâm lý để được tư vấn về các bài tập phù hợp nhất với hiện trạng của con mình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *