Bé học online trực tuyến là xu thế trong thời đại mới, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch vẫn đang hoành hành. Mặc dù hình thức học này có thể gây khó khăn cho một số trẻ em, đặc biệt là những bé lần đầu trải nghiệm, như: khó khăn về công nghệ, trẻ chán nản khi học online, trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe tai mắt khi thời gian sử dụng thiết bị điện tử nhiều hơn…

Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những điều tuyệt vời mà việc cho trẻ học trực tuyến nói chung và các khóa học online nói riêng mang lại. Vậy lợi ích của việc học online đối với bé là gì? Làm thế nào bảo vệ sức khỏe khi bé học online và giải quyết nỗi chán nản khi con phải học online lâu dài? Bố mẹ hãy tham khảo trong bài viết sau đây nhé!

Những Siêu Lợi Ích Khi Bé Học Online Trực Tuyến

Có thể tùy chỉnh môi trường học tập khi bé học online

Trong các lớp học truyền thống, môi trường học tập được quyết định trước bởi các cơ sở giáo dục, học sinh hiếm khi có bất kỳ tiếng nói nào trong chuyện này. Trong khi học online trực tuyến tại nhà, trẻ có thể có nhiều lựa chọn hơn.

Một số bé có thể thấy thoải mái khi học trong môi trường có nhiều cây xanh, hoặc có một số vật dụng quen thuộc, một số bé tiếp thu tốt hơn ở môi trường học tập gọn gàng và tối giản. Cha mẹ hãy quan sát để hiểu tính cách của con và cùng con thảo luận để chọn môi trường học tập phù hợp với con nhất nhé.

lợi ích khi bé học online
Bé có thể tự chọn môi trường học tập phù hợp khi học online

Tính linh hoạt

Một trong những lợi ích lớn nhất của việc cho em bé học online trực tuyến là tính linh hoạt. Nếu bạn không thể đưa trẻ đến các lớp học, thì những khóa học online sẽ giúp bạn. Bạn không cần phải nghỉ làm hoặc sắp xếp xe đưa đón con, tất cả những gì trẻ cần là mở máy tính lên và học.

Bên cạnh đó, tính linh hoạt còn thể hiện ở việc trẻ có thể xem lại bài học một cách dễ dàng nếu trẻ chưa hiểu. Các con có thể phát lại nội dung bài học, hoặc thậm chí lưu lại để tham khảo trong tương lai.

Tiết kiệm chi phí

Việc bé học online cũng giúp cha mẹ tiết kiệm chi phí đi lại so với khi con học ở trường lớp. Bên cạnh đó, một số khóa học online cung cấp các hướng dẫn qua video hoặc tài liệu trực tuyến, giúp cha mẹ giảm chi phí mua sách vở cho con.

Có nhiều sự lựa chọn hơn khi bé học online

Có thể nơi bạn ở không có khóa học mà con bạn cần. Bạn phải di chuyển xa để đưa con đến một lớp ngoại khóa, và bạn không có thời gian. Bạn không thích các lớp học dành cho trẻ em tại nơi bạn sống. Trong những trường hợp này, học online trực tuyến mở ra một thế giới các cơ hội giáo dục cho con bạn.

có nên cho con học thêm online
Học online trực tuyến mang lại nhiều lựa chọn hơn cho bé

Thậm chí, nếu con bạn chỉ ở trong nhà và ít tiếp xúc với trường học thực tế (vì bất kỳ lý do gì), các bé có thể làm quen bạn mới và có những trải nghiệm học tập trực tuyến. Xem xét các khóa học online dành cho bé có thể dễ dàng hơn so với việc nghiên cứu các chương trình học tập tại lớp ở địa phương, vì bạn có nhiều sự lựa chọn hơn.

Trải nghiệm nhiều phong cách học tập

Mỗi đứa trẻ đều có những cách học khác nhau, và việc tham gia các lớp học online cho phép trẻ khám phá những cách học phù hợp với nhu cầu của trẻ. Một vài cách học dành cho trẻ em là học qua lời nói, học qua thị giác và học qua thực hành. Không quan trọng là đứa trẻ đó học như thế nào, chúng sẽ có thể chọn được kiểu học mà chúng thích khi tham gia các lớp trực tuyến. Nếu con bạn chưa quen với việc học trực tuyến, đó sẽ là một trải nghiệm làm thay đổi cuộc sống của trẻ.

Xem Thêm:   Giáo Dục Lễ Giáo Cho Trẻ Mầm Non – Tưởng Khó Mà Dễ!

Bé có thể điều chỉnh tốc độ học online để phù hợp với bản thân

Một lợi ích quan trọng khác của việc học online trực tuyến đối với trẻ em là các con có thể học theo tốc độ riêng của mình. Trẻ có thể chậm lại nếu trẻ cần thêm thời gian để tiếp thu kiến thức mới. Mọi đứa trẻ đều khác nhau và chúng học mọi thứ theo tốc độ mà chúng thấy thoải mái nhất. Không giống như các lớp học truyền thống, nơi mà học sinh được dạy mọi thứ ở cùng một tốc độ trong cùng một thời gian, việc cho bé học trực tuyến thì hoàn toàn khác biệt ở điểm này.

học trực tuyến có tốt không
Trẻ chủ động học tập và điều chỉnh tốc độ học khi học online

Ngoài ra, khi học online, trẻ có thể bỏ qua những bài học mà trẻ đã biết và chuyển sang bài học mới. Điều này cho phép trẻ học với một tốc độ hiệu quả.

Giúp trẻ bắt kịp chương trình học

Nhiều học sinh sử dụng các khóa học online để bắt kịp các môn học mà trẻ đang theo học ở trường. Nếu con bạn gặp khó khăn trong một môn học cụ thể nào đó, hãy nghiên cứu các chương trình dạy học trực tuyến mà có thể giúp bổ sung hoặc nâng cao những cơ hội học tập, điều mà có thể không có trong chương trình tại trường học của bé.

Học online mang lại hiệu quả cho những trẻ có khó khăn trong tương tác xã hội

Một số trẻ em bị phân tâm khi học tại các lớp học truyền thống, một số khác gặp những thách thức xã hội ở trường, như: lo lắng, dễ bị kéo vào những cuộc xung đột với các học sinh khác, hoặc xấu hổ khi phát biểu hay đặt câu hỏi trước các bạn đồng trang lứa.

Vì vậy, với việc học online, những trẻ có chứng sợ giao tiếp xã hội sẽ giảm được các căng thẳng này và học tập hiệu quả hơn.

Phát triển kỹ năng máy tính

Cuối cùng, việc trẻ tham gia các lớp học online sẽ giúp trẻ chuẩn bị nhiều kỹ năng máy tính trong giai đoạn đầu đời. Với sự học hỏi không ngừng, trẻ sẽ hiểu biết hơn về máy tính, về công nghệ và sẽ học những kỹ năng có thể giúp ích cho trẻ sau này.

Như vậy, có thể nói, việc cho bé học online đang là xu hướng giáo dục của thời đại mới. Khi học online, bé sẽ không bị giới hạn và có thể thoải mái chọn cách học phù hợp cũng như những môn học ngoài chương trình phổ thông mà mình yêu thích.

Phải Làm Gì Khi Con Chán Nản Việc Học Tập Online?

Sau nhiều tháng học online, có khả năng trẻ sẽ cảm thấy hơi “kiệt sức” và chán nản một chút vì phải ở nhà cả ngày. Bạn không thể trách mắng con vì chuyện này, nhưng bạn có thể giúp trẻ tiếp thêm động lực để con tiếp tục việc học của mình. Dưới đây là một số cách mà cha mẹ có thể làm để giúp con khi con thấy chán nản với việc học tập online.

Tìm hiểu vấn đề mà bé gặp khi học online

Nếu con bạn nói rằng bé đang chán học online, hãy hỏi chúng những từ khác mô tả cụ thể hơn cảm giác của chúng. “Chán” có thể có nghĩa là trẻ không hiểu bài học/ bài tập hoặc bài tập quá dễ so với trẻ. Nếu bạn nghĩ rằng trẻ lo lắng hoặc chán nản, hãy mô tả với trẻ những gì bạn đang quan sát và hỏi trẻ xem điều đó có đúng không.

Tránh mở đầu bằng cách nói: “Con sẽ vượt qua được”, hãy thử nói: “Có phải con đang cảm thấy (như thế này) không?”, và sau đó là “Cảm ơn con đã nói cho cha mẹ biết. Những cảm xúc là có thật, nhưng chúng không tồn tại vĩnh viễn. Nếu chúng ta nói về chúng và hỗ trợ lẫn nhau, chúng sẽ không đáng sợ như vậy.” Việc này giúp con nhận diện, gọi tên và đối mặt với những cảm xúc của mình mà không tránh né chúng.

làm gì khi bé chán học tập online
Chán nản khi học tập online là 1 điều thường thấy ở các bé

Nếu tình trạng căng thẳng hơn, cha mẹ có thể tìm kiếm một số nguồn hỗ trợ, như là tìm đến một nhà trị liệu tâm lý hoặc chuyên gia giáo dục.

Xen kẽ các hoạt động khác và giúp con tạo ra danh sách các hoạt động mà bé yêu thích

Nếu con bạn chán ngấy việc học tập online, hãy tìm hiểu xem khi nào chúng có thể nghỉ giải lao một chút và dùng thời gian đó để làm những hoạt động khác, như vẽ tranh, tập thể dục, trồng cây, chơi đồ chơi…

Một số đứa trẻ than buồn, than chán chỉ để thu hút sự chú ý của cha mẹ. Tất nhiên là cha mẹ đã phải cân nhắc xem trẻ thực sự phàn nàn về điều gì, nhưng hãy cẩn thận với những phản ứng tức thì của bạn. Nếu bạn dừng mọi thứ đang làm chỉ vì trẻ cần sự chú ý, trẻ sẽ không học được cách tự chơi. Hoặc, nếu bạn dành thời gian nghĩ về các hoạt động mỗi khi trẻ đòi hỏi, trẻ sẽ không có cơ hội đưa ra những ý tưởng mới của riêng mình.

Xem Thêm:   Cách Dạy Con Tuổi 14 Và Các Lưu Ý Quan Trọng Cho Ba Mẹ
làm gì khi bé không muốn học tập online trực tuyến
Đa dạng danh sách hoạt động của trẻ khi học tập online tại nhà

Bạn có thể dành ra một chút thời gian với con để tạo một danh sách những hoạt động mà con yêu thích và một vài thử thách nghe có vẻ vui nhộn, hoặc các dự án dài hạn. Lý tưởng nhất, đây sẽ là sự kết hợp các ý tưởng của cả cha mẹ và trẻ – bạn có thể hỏi con về những điều con thích trong quá khứ, những điều mới mà con muốn học, và cách sử dụng những thứ mà bạn có sẵn xung quanh nhà. Dùng danh sách này để tạo một biểu đồ hoạt động (có hình ảnh dành cho trẻ nhỏ) mà con bạn có thể tham khảo mỗi khi chúng buồn chán, thay vì tìm đến bạn.

Tìm những hình mẫu

Năng lượng của bạn sẽ lên rồi lại xuống, nhưng hãy giữ thái độ tích cực và cách tiếp cận nhất quán. Nếu con bạn chán nản việc học, hãy tìm những hình mẫu – từ phim ảnh, sách báo hoặc cuộc sống thực tế – người mà sự can đảm có thể truyền cảm hứng cho con.

Khen ngợi sự nỗ lực của con và cho con thấy sự tiến bộ khi dạy bé học online

Một số trẻ đáp ứng tốt với các dấu hiệu thị giác. Sử dụng lịch/ sổ để đánh dấu thời gian, để trẻ thấy mình đã hoàn thành được bao nhiêu việc và còn bao nhiêu việc phải làm.

Có thể trẻ đã làm sai một bài tập nhưng đã hỏi những câu hỏi đúng. Có thể trẻ đã vượt qua bài tập đọc khi ngày hôm qua thật khó khăn. Giờ đây, hơn bao giờ hết, để ý và nhận xét tích cực về cách mà con đang phát triển và tiến bộ thật sự có thể tạo động lực để con tiến về phía trước.

cách giúp bé học online
Khuyến khích con để bé lấy lại động lực học tập

Thay đổi hình thức học online cho bé

Tìm kiếm những cách học không cần công nghệ. Bạn có thể yêu cầu con ghi xuống danh sách những loại thực phẩm đang có trong nhà để bé học viết chữ và chính tả. Để bé học hình, hãy bảo con chỉ ra các hình tròn, hình vuông và hình tam giác mà bạn nhìn thấy khi đi dạo (hoặc các vật dụng trong gia đình). Nếu bé học bảng chữ cái và gặp khó khăn, hãy nhờ con làm một ký tự bằng cách sử dụng chính cơ thể của con, như là đứng với hai tay dang ngang để tạo thành chữ T.

Hỗ trợ ở mức độ vừa phải

Một số trẻ chán nản khi học tập online do chưa hoàn thành tốt các bài tập được giao, và trẻ khó chịu khi bạn cố gắng giúp đỡ. Trong trường hợp này, để tránh “tranh giành quyền lực”, bạn có thể thử hướng dẫn trẻ bằng những câu hỏi gây tò mò.

Ví dụ, nếu như trẻ đang trả lời to một câu hỏi mở, hãy tạm dừng từ 3 – 10 giây sau khi trẻ nói để trẻ có thể xây dựng ý tưởng đó. Nếu trẻ gặp khó khăn khi trả lời hoặc trả lời sai, cha mẹ có thể nhắc: “Hãy xem lại bài dạy của giáo viên để xem con có thiếu gì không nhé” hoặc “Con có thể đọc lại câu hỏi không?”

Điều chỉnh kỳ vọng khi bé học online

Bạn chỉ cần nhớ: mục tiêu của bạn là hỗ trợ con đạt được sự tiến bộ trong các mục tiêu và nguyện vọng của chính con. Hãy để dành áp lực và sự kỳ vọng khi mọi thứ trở lại bình thường.

Việc học tập online có thể mang đến sự lo lắng và hoang mang cho nhiều gia đình. Nhưng trẻ em thì rất linh hoạt và thích học những điều mới. Nếu bạn có thể khai thác được những điều tạo động lực cho con, tất cả những gì bạn cần làm là quan sát chúng. Có thể mất một số lần “thử và sai” để tìm ra cách mà trẻ đáp ứng tốt nhất.

Bảo Vệ Tai Và Mắt Khi Bé Học Online Nhiều

Thời gian ngồi trước màn hình nhiều hơn, dù là học tập hay giải trí, có thể dẫn đến mỏi mắt, nhức đầu và thậm chí là mất thính giác. Dưới đây là một số cách đơn giản có thể bảo vệ mắt và tai khi bé học online nhiều, cha mẹ cùng tham khảo nhé!

Các mẹo giúp bảo vệ mắt khi bé học online

Nhiều người bị khô mắt sau một ngày dài dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh. Khi chúng ta dùng các thiết bị kỹ thuật số, chúng ta ít chớp mắt hơn, và thậm chí chúng ta không nhận thấy điều này. Việc giảm số lần chớp mắt cũng ảnh hưởng đến trẻ em. Chúng làm mất lớp màng bảo vệ mắt, có thể gây khô mắt, các vấn đề thị lực và cảm giác khó chịu. Ngoài ra, các cơ mắt cũng bị mỏi do phải hoạt động nhiều để nhìn mọi thứ ở gần. Do đó, để đề phòng việc thị lực bị suy giảm do bé học online nhiều thì cha mẹ có thể áp dụng các cách sau:

Xem Thêm:   Các Cách Dạy Trẻ Thông Minh Sớm Mẹ Nào Cũng Cần Biết

Nghỉ giải lao

Dùng đồng hồ hẹn giờ để nhắc trẻ ngưng nhìn màn hình ít nhất 10 phút mỗi giờ. Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ (AOA) khuyến nghị quy tắc 20/20/20: nhìn ra xa màn hình sau mỗi 20 phút và tập trung vào một đối tượng cách xa ít nhất 20 feet (khoảng 6 mét) trong ít nhất 20 giây.

bảo vệ tai mắt khi bé học online
Tập cho bé thói quen chớp mắt thường xuyên khi dùng màn hình

Chớp mắt thường xuyên

Việc ít chớp mắt khi bé học online làm cho giác mạc bị khô và gây cảm giác khó chịu. Nhiệt được tạo ra từ màn hình máy tính sẽ làm nước mắt bay hơi nhanh hơn, điều này làm trầm trọng thêm tình trạng khô giác mạc do ít chớp mắt. Vì vậy, cha mẹ hãy nhắc con chớp mắt thường xuyên nhé.

Đặt đúng vị trí màn hình để con học tập hiệu quả

Cha mẹ hãy đặt màn hình máy tính của trẻ thấp hơn tầm mắt một chút. Việc nhìn lên sẽ làm khô mắt nhanh hơn. Một vài chuyên gia đề xuất quy tắc 1/2/10: đặt điện thoại thông minh cách mắt 1 bước chân, máy tính để bàn/ máy tính xách tay thì cách 2 bước chân và màn hình tivi thì cách khoảng 10 bước chân.

Điều chỉnh ánh sáng

Không để ánh sáng từ cửa sổ, đèn và các đồ đạc trên cao chiếu trực tiếp vào màn hình khi bé học online. Ngoài ra, cha mẹ cũng giảm độ sáng của màn hình để phù hợp với mắt của bé.

Không dùng thuốc nhỏ mắt

Các nhà thuốc bày bán đủ loại thuốc nhỏ mắt và nước mắt nhân tạo. Tuy nhiên, đừng sử dụng chúng cho trẻ khi chưa tham khảo ý kiến chuyên gia y tế. Có rất nhiều loại thuốc, và một vài loại có thể gây hại nếu chúng không được sử dụng đúng cách.

Theo dõi thời gian sử dụng màn hình của con

Đảm bảo rằng việc sử dụng các thiết bị điện tử không can thiệp vào những hoạt động quan trọng khác như ngủ và tập thể dục.

Thiếu ngủ có thể là nguyên nhân của một đôi mắt mệt mỏi. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo không nên để các thiết bị trong phòng ngủ của trẻ. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ánh sáng xanh từ màn hình có thể khiến trẻ khó đi vào giấc ngủ. Tắt các thiết bị 1 giờ trước khi ngủ cũng hữu ích – và không tốn bất cứ chi phí nào.

trẻ học online
Chú ý phân bổ thời gian hợp lý khi trẻ học online

Đồng thời, thiết lập thời gian để trẻ tập thể dục. Đây là lúc mà mắt của trẻ không tiếp xúc với màn hình. Hãy dành 30 – 60 phút chơi cùng con ngoài trời mỗi ngày, nếu có thể. Đó là cơ hội giúp trẻ tập trung vào các khoảng cách khác nhau, tốt cho tầm nhìn của con. Ánh sáng tự nhiên cần thiết cho một đôi mắt khỏe mạnh – nó giúp giảm sự tiến triển của tật cận thị.

Thăm khám mắt thường xuyên

Cha mẹ có thể đưa bé đến bác sĩ nhãn khoa để khám, ngay cả khi con không có các vấn đề về mắt. Hiệp hội Đo thị lực Hoa Kỳ khuyến nghị khám mắt thường xuyên cho trẻ em bắt đầu từ 6 tháng tuổi. Đến khi con 5 tuổi, trẻ nên được khám mắt ít nhất một lần mỗi năm.

Những cách giúp bảo vệ thính lực khi bé học online

Nhiều gia đình đã chọn cho con sử dụng tai nghe khi bé học online. Tuy nhiên, nếu dùng tai nghe với âm lượng quá lớn trong một thời gian dài có thể gây mất thính lực. Dưới đây là một số việc mà cha mẹ có thể làm để giúp con:

  • Giữ âm lượng dưới 80 decibel. Nếu cao hơn có thể sẽ gây mất thính lực.
  • Chọn một nơi yên tĩnh để con học bài. Nếu quá ồn ào, và trẻ đang cố gắng làm át đi các cuộc trò chuyện khác, rất có thể con sẽ tăng âm lượng.
bảo vệ thính lực cho bé khi học online
Bảo vệ thính lực cho bé khi học online cũng là điều quan trọng
  • Mua tai nghe có thể điều chỉnh được âm lượng. Bạn cũng có thể kiểm soát/ giới hạn âm lượng trên máy tính hoặc máy tính bảng.
  • Tai nghe tốt hơn loa. Mọi người thường có xu hướng nghe tai nghe với âm lượng nhỏ hơn loa vì họ không cố gắng loại bỏ đi các tiếng ồn khác xung quanh.
  • Sử dụng một cặp tai nghe vừa vặn còn hơn là tai nghe nhét tai. Tai nghe nhét tai thường tạo cảm giác không thoải mái và khó có thể vừa khít. Chúng cũng không chặn tiếng ồn xung quanh, vì vậy mà trẻ có thể tăng âm lượng khi dùng những tai nghe nhét tai này.
  • Tai nghe chống ồn không nhất thiết tốt hơn các loại tai nghe khác. Những loại tai nghe này thực tế bổ sung nhiều âm thanh để loại bỏ tiếng ồn xung quanh.

Hy vọng với những chia sẻ này, cha mẹ có thể hiểu rõ về những lợi ích của việc học online, cách giải quyết khi trẻ chán học và những biện pháp giúp bảo vệ mắt và tai của con khỏe mạnh trong thời gian bé học online và cả sau này. Chúc cả nhà có những tiết học online thú vị và bổ ích!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *